Ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến sức khỏe. Họ hướng đến chế độ ăn uống lành mạnh hơn với rau củ, trái cây. Nhiều người bắt đầu dùng đến các sản phẩm bổ sung vitamin và một số dưỡng chất khác.
Thực phẩm bổ sung là gì?
Theo quy định của Liên minh Châu u đưa ra định nghĩa sau về “thực phẩm bổ sung” như sau:
“Bất kỳ thực phẩm nào có mục đích bổ sung cho chế độ ăn uống bình thường và là nguồn tập trung vitamin hoặc khoáng chất hoặc chất khác có tác dụng dinh dưỡng hoặc sinh lý, được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp và được bán ở dạng định liều.”
Các sản phẩm này tập trung vào các chất bổ sung có chứa vitamin và khoáng chất hoặc các chất dinh dưỡng khác, mặc dù thông tin về cách các sản phẩm này được quản lý cũng có liên quan đến các loại sản phẩm khác được bán dưới dạng “thực phẩm bổ sung”.
Thực phẩm bổ sung cũng có sẵn ở nhiều dạng và liều lượng khác nhau, bao gồm viên nén, viên nang, kẹo dẻo, bột, đồ uống, dầu. Tùy thuộc vào loại sản phẩm và mục đích sử dụng có thể chia thực phẩm bổ sung cho người lớn, thực phẩm bổ sung cho trẻ nhỏ,…
Các chất bổ sung nào được khuyến cáo sử dụng?
Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh (Department of Health and Social Care) khuyến nghị một số chất bổ sung cho một số nhóm người có nguy cơ thiếu hụt:
Vitamin D
Vitamin D góp phần vào sự phát triển và duy trì xương và răng khỏe mạnh. Trong những tháng mùa xuân và mùa hè ở Anh, phần lớn người dân số thể nhận được lượng vitamin D cần thiết thông qua việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khi phơi nắng và thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Trong suốt mùa thu và mùa đông, người lớn và trẻ em từ 5 tuổi trở lên nên cân nhắc dùng chất bổ sung có chứa 10 microgam vitamin D. Đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ (0-1 tuổi), trẻ em từ 1-4 tuổi, cũng như những người lớn có rất ít hoặc không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (ví dụ những người ít khi ở ngoài trời hoặc những người mặc quần áo che gần hết da), thì những đối tượng này nên bổ sung hàng ngày vitamin D có chứa 10 microgam.
Vitamin A, C và D cho trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ
Vitamin A và C đảm nhiệm loạt các chức năng trong cơ thể bao gồm hỗ trợ hệ thống miễn dịch và giúp làn da khỏe mạnh. Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, đặc biệt là những trẻ ăn không ngon miệng, do có thể không nhận đủ vitamin A hoặc C từ chế độ ăn uống và rất khó để có đủ vitamin D chỉ từ thực phẩm. Vì vậy, tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi được khuyến cáo nên uống bổ sung vitamin hàng ngày có chứa vitamin A, C và D. Những trẻ đang bú 500ml sữa công thức trở lên mỗi ngày không nên cho trẻ uống bổ sung, vì sữa công thức đã được bổ sung các chất này.
Axit folic cho thai kỳ
Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ đang mang thai hoặc có thể mang thai nên bổ sung hàng ngày các sản phẩm có chứa 400 microgam axit folic, từ trước khi thụ thai cho đến khi thai được 12 tuần. Điều này nhằm giảm nguy cơ trẻ sinh ra bị khiếm khuyết ống thần kinh (NTD).
Một số lưu ý khi sử dụng thực phẩm bổ sung
Dùng thực phẩm bổ sung thế nào cho đúng?
Không phải là thuốc
Bạn không nên nhầm lẫn giữa thực phẩm bổ sung với các loại thuốc đặc trị khác. Thực phẩm bổ sung dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, thực phẩm này không được sử dụng để chữa trị hoặc khắc phục một bệnh lý nào.
Không thể thay thế bữa ăn chính
Thực phẩm bổ sung không thể thay thế hoàn toàn bữa ăn hàng ngày của bạn. Nếu sử dụng quá nhiều các sản phẩm này mà quên thưởng thức các món ăn ngon khỏe, về lâu dài bạn sẽ gặp những ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Thực phẩm bổ sung chỉ bổ sung các dưỡng chất còn thiếu trong các bữa ăn, sử dụng như bữa ăn phụ.
Chỉ bổ sung khi chế độ ăn thiếu chất
Mọi người thường sử dụng thực phẩm bổ sung khi chế độ ăn hằng ngày không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ vận động cường độ cao đến chế độ ăn thuần chay hoặc vì cơ thể không dung nạp một số loại thực phẩm.
Sử dụng quá liều lượng có thể gây hại
Dù ăn bất kỳ thực phẩm gì thì điều độ là rất cần thiết. Một món ăn dù lành mạnh nhưng nếu ăn quá nhiều cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Thực phẩm bổ sung cũng như thế.
Mỗi người sẽ có nhu cầu bổ sung một số loại vitamin và dưỡng chất khác nhau. Do đó, khó có một công thức chung nào về thực phẩm bổ sung để áp dụng cho mọi người. Tùy thuộc vào bệnh lý, thể trạng và nhu cầu từng người, bạn có thể sử dụng thực phẩm bổ sung với liều lượng hợp lý. Nếu lạm dụng, điều này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do khi đó cơ thể không “giải quyết” được một lượng lớn chất dư thừa được nạp vào cơ thể.
Nếu bạn băn khoăn liệu mình có đang dùng quá nhiều thực phẩm bổ sung thì hãy tìm gặp bác sĩ để nhận lời khuyên. Tuỳ thuộc từng nhu cầu cụ thể hoặc tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ cân nhắc tư vấn sử dụng thực phẩm bổ sung đúng và hiệu quả.